Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu hy vọng, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý (vì trùng với màu của vàng), hợp với niềm hân hoan chờ đón Tết đang rạo rực trong lòng người dân. Với ý nghĩa đó, gia đình nào cũng cố gắng trang trí một vài cây hoa mai nở rộ trong nhà với mong muốn bước sang năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc, tiền tài, công danh được dâng cao gấp bội. Theo quan niệm của nhiều người, hoa mai nở càng có nhiều cánh thì càng đẹp và nhà đó càng giàu có. Nhưng theo quan niệm của các cụ già xưa, nếu cây mai nhà nào chỉ nở toàn hoa mai 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát đại quý” trong năm đó.
Ngày nay, hoa mai có thể nở được quanh năm, vì chỉ cần làm cho mai rụng lá thì nụ hoa sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ có hoa mai nở trong dịp Tết, người dân mới cảm nhận được ý nghĩa sâu đậm của hoa mai trong không khí của ngày Tết mà thôi.
Hoa mai vàng |
Ngày xửa ngày xưa … có một cô bé rất giàu lòng yêu thương. Cô bé rất yêu bố mẹ và chị mình đã đành, cô cũng yêu cả những bà con trong xóm của mình, cô còn yêu cả ba ông Táo bằng đá núi đêm ngày chịu khói lửa để nấu cơm, hầm ngô, nướng thịt cho tất cả bà con trong xóm ăn. Một lần, thương ba ông Táo, vì tiết trời đã nóng lại phải chịu lửa suốt ngày đêm, cô bé mới lên 5 ấy đã lấy một gáo nước to dội luôn lên đầu của ba ông. Tro và khói bốc lên mù mịt. ông Táo già nhất hiện ra nói: “Ra biết rằng cháu rất thương mọi người và rất thương ta nhưng vẫn chưa hiểu được ta. Lửa càng nóng, ta càng vui. Cháu mà dội nước thì có ngày ta bị cảm mất”. Từ đấy, cô bé không dội nước lên đầu ba ông Táo nữa. Nhưng ông Táo già thì thỉnh thoảng lại hiện lên trò chuyện với hai chị em cô bé trong chốc lát. Một hôm thương ông, cô em đã hỏi thăm và được biết ông Táo rất thích có cá chép để ông cưỡi về trời vào cuối mỗi năm, cô em liền rủ cô chị đi bắt cho bằng được một con cá chép to mang về biếu cho các ông Táo (vì vậy dân gian thường bảo nhau cứ 23 tháng chạp ông táo cưỡi cá chép về trời).
Kể về gia đình của cô, bố cô bé là một người đi săn thú rất tài giỏi. Ông thường chỉ thích đi săn thú dữ, để giúp đỡ cho dân làng. Tuy nhiên, ông không muốn truyền nghề cho hai con mình, vì cả hai đều là gái. Nhưng cô em lại rất thích nghề của cha. Lên 5 tuổi, cô đã xin cha dạy cho mình đủ cả côn, quyền và đao kiếm. Tuy cô có vóc dáng nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn vô cùng, và có đôi tay rất khỏe, đáng kinh ngạc. Lên 9 tuổi, cô đã hăm hở xin theo cha đi săn thú. Người mẹ và người chị lo lắng, nhưng cô bé vẫn kiên quyết và được sự đồng ý của cha nên cuối cùng cả nhà chấp thuận. Và lần đầu theo cha đi săn, cô bé đã giết ngay được một con lợn rừng rất hung dữ … Trong vùng bỗng xuất hiện một con quái đầu người mình báo. Bà con ai cũng lo lắng, khiếp sợ. Vì con quái vật chỉ thích ăn thịt người, nhất là thịt trẻ con. Người cha liền dẫn cô gái nhỏ đi tìm quái vật để giết. Người mẹ và chị can ngăn nhưng không được và được người cha thuyết phục nên đã đồng ý. Mấy ngày sau, có tin con quái đã bị người cha giết chết. Ngày hai cha con trở về, bà con đã làm cỗ thật lớn để ăn mừng chiến thắng. Sau đó không lâu, người cha bỗng bị ốm nặng. Người mẹ và hai cô gái hết lòng chăm sóc. Bệnh người cha có đỡ, nhưng sức khỏe thì không còn được như trước nữa. Vài năm sau, ở vùng xa bỗng xuất hiện một con quái thú đầu người nhưng mình trăn. Tin đồn con quái thú này có sức khỏe vô cùng ghê gớm. Nó có thể cuộn chết một con bò mộng chỉ trong chớp mắt. Nó lại rất thích ăn thịt trẻ con và có thể ăn một lúc đến mấy đứa. Bà con vùng đó liền cử người mời hai cha con người đã giết con quái thú đầu người mình báo trước đây để diệt con quái thú này giúp bà con trong vùng. Người cha nhìn cô gái nhỏ của mình hỏi: - Liệu con có nhận lời đi giúp bà con không? - Con xin cha mẹ và chị để cho con đi! - Cha sẽ cùng đi với con, nhưng cha chỉ giúp con thôi. Lần này chính con phải diệt con quái thú đó. Sau nhiều lần can ngăn hai cha con không được, người mẹ và chị đành lo chuẩn bị mọi thứ cho hai cha con lên đường. Trước khi lên đường, người mẹ đã may cho cô con gái chiếc áo mới màu vàng thật đẹp. Ngày lên đường, cô bé mặc chiếc áo vàng, nhìn cô càng khỏe, càng đẹp. Cô nói: “Diệt xong con quái thú lúc về con sẽ mặc áo này cho mẹ và chị nhận ra được con từ xa”. Hai cha con đi ròng rã hơn một tháng trời mới đến nơi có con quái đầu người mình rắn. Nghỉ ngơi được dăm ba ngày, hai người liền đi tìm quái thú để tiêu diệt. Hai cha con đánh nhau với nó hai ngày liền mà không diệt nổi. Sức của người cha thì cứ yếu dần, nên chỉ trông chờ vào cô bé. Sau them vài ngày đánh nhau với quái thú, cô bé dùng dao găm chặt đuôi nó vào thân cây để quái thú không quẫy được, mới có thể giết chết nó. Nhưng trước khi chết, quái thú đã dùng hết sức quẫy mạnh, dứt được cái đuôi ra khỏi mũi dao và cuốn ngay lấy người cô bé. Cô bé cố hết sức chặt được cái đầu con quái thú thì cũng bị nó quấn gẫy cả xương mềm nhũn cả người. Cha cô cùng người dân vùng đó hết sức thương tiếc cho cô. Họ đem xác cô gái về chôn cất rồi lập đền thờ. Nhưng vì cô là một người rất tốt bụng nên thần Đất đã biến cô thành một con chim lông vàng rực rỡ, một con chim chưa ai thấy bao giờ. Cô bay về quê nhà gặp ông Táo đá núi nhờ ông khi về trời xin giúp ông trời cho cô được sống lại cùng gia đình. Vì thấy là một cô bé rất tốt và hiền lành nên ông Táo đã nhận lời. Khi nghe câu chuyện của cô bé dũng cảm và tốt bụng, ông trời rất xúc động, nhưng vì cô chết đã quá nhiều ngày, nên ông trời không thể hồi sinh cho cô mà chỉ có thể cứu cho cô bé mỗi năm sống lại được 9 ngày. Vậy là từ chiều 29 tháng chạp năm đó, cô bé sống trở lại trong sự vui mừng của gia đình và người dân trong vùng. Đêm đó, cô bé về nhà trong chiếc áo màu vàng mẹ may cho. Cả nhà thức suốt đêm trò chuyện, sợ thời gian bên cô bé không còn nhiều. Cô gái nhỏ ăn Tết với cha mẹ và chị đúng 9 ngày. Trong thời gian đó, cô gái nhỏ dành làm hết mọi công việc để giúp cha mẹ, giúp chị nhưng không được. Trong 9 ngày, họ sống bù cho cả một năm sắp phải xa nhau. Đến đêm thứ 9 trời vừa tối, cô bé vừa kịp ôm lấy cha mẹ và chị để chào ra đi thì người cô bỗng cứ mờ dần như sương khói rồi biến mất. Cả nhà buồn rầu, thương nhớ cô gái nhỏ vô cùng, nhưng nghĩ đến chuyện Tết năm sau cô sẽ về, mọi người lại an ủi nhau, lại kiên nhẫn chờ đợi … Và năm sau, cũng vào chiều 29 Tết, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về ăn Tết với gia đình rồi đến tối mồng 7 Tết lại ra đi. Từ đấy hàng năm, cô gái nhỏ áo vàng lại trở về sống 9 ngày cuối năm, đầu Xuân với cha mẹ, với bà con vùng trong. Khi cha mẹ và chị đều mất cả, cô gái không về nữa. Cô hóa thành một cây hoa ngay ở ngôi đền bà con đã dựng lên để thờ cô. Cây ấy hầu như cả năm chỉ có lá, nhưng cứ vào khoảng gần Tết, hoa lại nở đầy, màu vàng tươi như màu áo của cô gái nhỏ ngày trước. Hoa chỉ vui với bà con vào dịp Tết rồi rụng xuống đất, biến mất để năm sau lại trở về. Cây hoa ấy ngày nay được gọi là cây Mai Vàng. Ngày Tết ở miền Trung và ở Nam Bộ, bà con thường mua một cành mai vàng về cắm trên bàn thờ ông bà. Nhiều người cũng tin rằng, có cành mai vàng vừa đẹp nhà vừa vui Tết, lại vừa có thể xua đuổi được hết các loài ma quái trong suốt cả năm.